
Nhiều người sẽ phải sống trong cảnh ngập lụt thường xuyên hơn
Ô nhiễm không khí có thể làm rối loạn DNA
Ai cũng biết, ô nhiễm không khí làm con người khó thở, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, gia tăng các bệnh mạn tính. Nhưng một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, khói diesel có thể đem lại nhiều tác hại hơn đến sức khỏe con người, nó có thể gây rối loạn gen của con người. Điều đáng nói là các yếu tố bên ngoài cơ thể – chẳng hạn như các chất gây ô nhiễm không khí có thể loại bỏ hoặc thêm các nhóm methyl vào DNA một cách không tương thích với con người. Những thay đổi này theo một cách nào đó có thể chiếm quyền điều khiển gen, khiến cơ thể bị “nhiễu”. Nghiên cứu về vai trò methyl hóa trong hoạt động gen được gọi là biểu sinh (EH-pee-jen-EH-tiks) mô tả những thay đổi xảy ra bên ngoài DNA của con người. Những thay đổi này không gây hại cho DNA. Thay vào đó, biểu sinh có thể làm một gen im lặng (bằng cách cưỡng chế tắt nó đi) hoặc bật một số gen không đúng lúc – thông tin trên Ngaynay.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy, việc hít khói diesel liên tục trong hai giờ có thể gây ra biểu sinh làm thay đổi DNA của con người. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada, theo dõi 16 tình nguyện viên ở trong 16 gian phòng kín có kích thước bằng một nhà vệ sinh nhỏ trong 2 giờ. Một nửa được hít thở không khí trong lành, nửa còn lại hít thở không khí ô nhiễm. Mức độ ô nhiễm tương đương với sự ô nhiễm tại đường cao tốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Mức độ như vậy cũng có thể xảy ra ở đường sắt, khu mỏ và các khu công nghiệp ở những nơi khác trên thế giới. Để thăm dò tác động của ô nhiễm không khí đối với con người, các nhà nghiên cứu đã lấy máu của các tình nguyện viên và tiến hành so sánh. Kết quả, không có gì thay đổi trong mẫu máu của những người được hít thở không khí sạch. Nhưng các nhóm methyl đã bị thay đổi ở khoảng 2.800 điểm khác nhau trên DNA ở những người hít khói diesel. Những thay đổi đó ảnh hưởng đến khoảng 400 gen. Điều đó có thể dẫn đến hoạt động gen cao bất thường và ảnh hưởng tới sức khỏe một người.
85% thành phố cảm nhận được biến đổi khí hậu, nhưng gần một nửa không đối phó
Lũ lụt và nhiệt độ cực cao đe dọa gần như mọi thành phố trên thế giới, đặc biệt là dân số dễ bị tổn thương trong các thành phố. Nhưng một báo cáo mới công bố cho thấy, rất ít thành phố sẵn sàng cho những gì xảy ra sắp tới. Năm ngoái, Liên hợp quốc đã báo cáo rằng, vào năm 2050, khoảng hai phần ba dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố. Trong bối cảnh mọi người đổ về các trung tâm đô thị, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh mang tên CDP đã hỗ trợ 620 thành phố trên toàn thế giới đánh giá tác động và nguy cơ của biến đổi khí hậu mang lại. Kết quả cho thấy, năm 2018, 85% các thành phố đã báo cáo gặp phải các vấn đề khí hậu lớn, từ sóng nhiệt cực độ đến lũ lụt. Tuy nhiên, 46% các thành phố trong số này báo cáo rằng họ không có hành động nào để giải quyết những vấn đề đó – theo Nhandan.
Theo thông tin của CDP được công bố trong báo cáo Rủi ro Thành phố mới (bao gồm dữ liệu năm 2018), lũ lụt là chuyện thường xuyên xảy ra đối với 71% thành phố. Trong khi đó, 61% các thành phố báo cáo đã phải đối phó với nhiệt độ cực cao và 36% đã trải qua hạn hán. Chỉ 11% các thành phố trên toàn cầu có xu hướng báo cáo rủi ro dài hạn. Trong khi bà Walsh cho biết, có rất nhiều yếu tố góp phần vào việc này, nhưng nhiều thành phố chưa hoàn thành các đánh giá về lỗ hổng, mà điều này sẽ giúp họ thấy trước các vấn đề dài hạn tốt hơn. Chênh lệch về sự giàu có là một trong những bất bình đẳng giữa các thành phố. Tổng cộng, 54 thành phố đã báo cáo loại bất bình đẳng này như là một rào cản đối với hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Nhìn rộng hơn, các quốc gia giàu có và vị trí tốt hơn có thể phản ứng và thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn.
EEA hối thúc các nước EU đẩy mạnh hoạt động tái chế rác thải
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) ngày 28/10 hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực thi các chính sách để đẩy mạnh hoạt động tái chế, nhằm giải quyết bài toán về rác thải, nhất là rác thải nhựa và rác thải điện tử. Trong một tuyên bố, EEA cho biết EU cần tìm các phương pháp “quay vòng” và “thân thiện với môi trường” để quản lý các nguồn rác thải, chẳng hạn như tăng cường tái sử dụng và tái chế. Theo EEA, EU đã thải 30 triệu tấn tác thải nhựa trong năm 2015; trong đó chỉ 17% được thu gom để tái chế. Năm 2017, nhu cầu đối với nhựa tại 28 quốc gia EU, Thụy Sỹ và Na Uy đã lên tới 51 triệu tấn, chủ yếu phục vụ hoạt động đóng gói và xây dựng. Ước tính, sản lượng nhựa hàng năm trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035 và gần bốn lần vào năm 2050. Theo một báo cáo của EEA , các nước châu Âu hiện thiếu năng lực quản lý bền vững lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng.
EEA cho rằng quản lý yếu kém đối với rác thải nhựa sẽ tác động tiêu cực đến môi trường và khí hậu. EU đã xuất khẩu 150.000 tấn rác thải nhựa mỗi tháng trong những tháng đầu năm 2019, do các quốc gia châu Âu thiếu công suất tái chế loại rác thải này. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2016. Bên cạnh đó, năm 2015, EU đã thải ra 10,3 triệu tấn rác thải điện tử, nhưng chỉ 40% trong số này được thu gom. EEA lưu ý hoạt động tái chế chất lượng cao có thể giúp giới hạn tác động đến môi trường. Một nghiên cứu được thực hiện tại Na Uy năm 2016 chỉ ra rằng việc tái chế một chiếc điện thoại di động giúp giảm bớt 1kg khí CO2 phát thải ra môi trường- thông tin trên TTXVN.
Hàn Quốc ban bố cảnh báo về tình trạng bụi mịn trong không khí
Hàn Quốc ngày 29/10 đã ban bố cảnh báo về tình trạng bụi mịn PM 10 tại thủ đô Seoul, tỉnh Gyeonggi và nhiều khu vực khác ở nước này trong bối cảnh các chuyên gia về thời tiết của Hàn Quốc dự báo sẽ có một số lượng lớn bụi vàng thâm nhập vào nước này từ bên ngoài. Theo chính quyền thành phố, nồng độ bụi mịn tại 25 quận của thủ đô Seoul đã tăng từ 151 mcg trong 1 mét khối không khí vào lúc 4 giờ sáng lên 156 mcg vào lúc 5 giờ sáng và họ đã đưa ra cảnh báo trên sau khi đo được nồng độ bụi mịn ở mức trên 150 mcg trong hơn 2 giờ đồng hồ. Trong khi đó, tại Gyeonggi, cảnh báo về tình trạng bụi mịn được đưa ra vào lúc 13 giờ sau khi các chuyên gia về thời tiết phát hiện nồng độ bụi mịn ở mức tương tự – theo thông tin trên TTXVN.
Tại các tỉnh, thành khác của Hàn Quốc như Jeju, Daegu, Bắc Gyeongsang, Bắc và Nam Chungcheong, Gwangju và Nam Jeolla, chính quyền địa phương cũng đưa ra cảnh báo trên vào buổi chiều cùng với việc khuyến cáo người dân không ra ngoài đường để tránh ảnh hưởng do bụi mịn và uống đủ nước. Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng bụi mịn có nguồn gốc từ trong nước và từ nước láng giềng Trung Quốc cũng như tình trạng bụi vàng từ Mông Cổ thổi sang trong mùa Đông và mùa Xuân. Theo chính quyền thành phố Seoul, bụi mịn có thể gây ra nhiều căn bệnh và làm suy yếu hệ miễn dịch, chính vì vậy, những người bị mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc tim mạch, trẻ em và những người khác dễ bị ảnh hưởng do bụi mịn nên hạn chế ra khỏi nơi ở và nếu như cần phải ra khỏi nhà, người dân nên đeo khẩu trang y tế.